Làng Gốm Phù Lãng | Lắng Đọng Hồn Quê Việt | Gomxua.com
Đường Vào Làng Gốm Phù Lãng
Làng gốm Phù Lãng (Quế Võ – Bắc Ninh) ẩn hiện sau con đường nhỏ với hàng tường bao gạch trần, bên những mái ngói thâm nâu cổ kính .Hai bên đường là các thước củi khô được xếp thành hàng,vuông vắn . Đưa người khách phương xa trở về với làng quê xưa thuần Việt của miền châu thổ sông Hồng.
Bóng dáng của gốm vẫn tràn ngập khắp nơi, từ dãy chum vại, tiểu quách, gốm vụn xếp gọn hai bên đường đến những mảnh tranh gốm, bình gốm chất ngất bên hiên nhà…
Phù Lãng bao năm vẫn thế, giản dị, trầm tư và lắng đọng. Mỗi ngõ nhỏ, mỗi nếp nhà, mỗi khuôn mặt, mỗi nụ cười ở Phù Lãng đều mang những nét bình dị. Lưu giữ một câu chuyện dài về đất và người nơi đây.
Nét Đặc Trưng Của Gốm Phù lãng
Nếu Bát Tràng ồn ào, nhộn nhịp sầm uất với những sản phẩm hiện đại được tạo ra đặc trưng từ chất liệu đất sét trắng. Thổ Hà một thời huyên náo đò đầy dọc ngang với những sản phẩm từ đất sét xanh. Nhưng riêng Phù Lãng luôn mộc mạc, bình dị như chính sản phẩm mà họ tạo ra từ đất sét đỏ trầm đặc trưng.
Người Phù Lãng từ xưa kia cất công chuyên chở bằng đường sông loại đất đỏ trầm về làm nguyên liệu từ tận vùng núi Thống Vát Cung Khiêm (Bắc Giang). Nên đã không làm thay đổi nhiều địa chất cảnh quan của làng. Cho nên đến ngày nay ngôi làng này vẫn giữ được nét cổ kính và trầm mặc dẫu cuộc đời cũng nhiều dâu bể đổi thay.
Theo các thợ làm nghề ở Phù Lãng, đất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, thợ phải phơi cho đất bạc màu . Trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước. Sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi.
Phù Lãng Ngày Nay
Ngày nay nhờ cải tiến hơn, làm đất gốm dễ dàng hơn nhiều khi có máy móc làm mềm đất và đất được làm mịn hơn.
Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay. Tạo hình theo mẫu hoặc trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công, họa sỹ và điêu khắc. Nổi bật so các dòng gốm khác, gốm Phù Lãng được phủ một lớp men đặc trưng nhất. Được các nghệ nhân gọi tên như: da lươn, quả duối, hạt na, cua đá rất đặc trưng. Gốm Phù Lãng thanh nhã và bền đẹp khoác lên mình lớp men này được các nghệ nhân đúc kết từ kinh nghiệm theo thời gian và truyền thống lâu đời của làng nghề.
Nét Độc Đáo Của Gốm Phù Lãng
Nét độc đáo của gốm Phù Lãng là chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc. Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến), hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước. Sau đó gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục.
Ngoài việc tạo ra loại men tráng riêng, kỹ thuật nung gốm cũng mang đậm nét riêng biệt và gia truyền đối với mỗi lò gốm nơi đây. Sau công đoạn vào men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C, để đảm bảo gốm sành nâu có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò. Nếu không nắm vững kỹ thuật chọn đất, đốt lò… thì cả mẻ gốm phải bỏ đi. Một lò thường được một nghìn sản phẩm và phải đun liền trong ba ngày ba đêm. Vì vậy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn vàng óng hay màu cánh gián, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang.
Làng Gốm Phù Lãng Qua Năm Tháng
Mặc dù nằm tiếp giáp với vùng than (Quảng Ninh) nhưng ở Phù Lãng người ta vẫn sử dụng phương pháp truyền thống – dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc, dáng gốm đơn giản, khỏe khoắn tăng thêm điểm nhấn từ nước men da lươn này.
Trải qua hơn 6 thế kỷ hình thành và phát triển, gốm Phù Lãng chưa đạt thời kỳ phát triển đỉnh cao và rực rỡ như Thổ Hà hay Bát Tràng, nhưng ở đó có sức sống bền vững với thời gian. Dù thời cuộc nhiều đổi thay, gốm sứ bị cạnh tranh bởi nhiều những sản phẩm thay thế, làng gốm Phù Lãng cũng không nằm ngoài quy luật và người dân nơi đây cũng phải loay hoay tìm hướng đi mới, lao đao gìn giữ nghề cổ truyền.